Lịch sử Nhà_Kim

Hưng khởi và diệt Liêu

Triều Kim do người Nữ Chân kiến lập, dân tộc này sinh sống dựa vào đánh cá và săn bắn. Thời Đường, người Nữ Chân được gọi là Mạt Hạt, đến thời Ngũ Đại thì bao gồm các bộ lạc như Hoàn Nhan bộ[chú thích 1], thần thuộc Bột Hải Quốc. Triều Liêu sau khi đánh diệt Bột Hải Quốc, thu biên người Nữ Chân ở phương nam, gọi là Thục Nữ Chân, người Nữ Chân ở phương bắc là Sinh Nữ Chân. Đến vãn kỳ của triều Liêu, triều chính hỗn loạn, Liêu Thiên Tộ Đế hồ đồ bất tài, triều đình Liêu không ngừng đòi cống phẩm,[chú thích 2] chà đạp bách tính Nữ Chân.

Một số bộ lạc Nữ Chân ở đông bắc bộ Cao Ly từng là thần thuộc của vương triều này, đồng thời cũng triều cống,[11] được gọi là Đông Nữ Chân hoặc Đông Bắc Nữ Chân. Sau khi Hoàn Nhan bộ nổi lên, liên minh các bộ lạc Nữ Chân với nòng cốt là Hoàn Nhan bộ muốn thống nhất bộ lạc Nữ Chân tại Hạt Lãn Điện (nay là khu vực đông bắc của Bắc Triều Tiên), Cao Ly bất an nên quyết định khai khẩn vùng đất này, hai bên phát sinh xung đột. Tháng hai năm 1104, các tướng Cao Ly như Lâm Can suất quân xâm nhập Hạt Lãn Điện, bị quân Nữ Chân đánh cho thảm bại. Cao Ly chiến bại tổn binh, song vì Doãn Quán du thuyết nên quân Nữ Chân tạm ngưng chiến. Sau khi quân Nữ Chân rút đi, Doãn Quán thỉnh cầu với Cao Ly Túc Tông huấn luyện binh sĩ nhằm tạo ra một đội quân tinh nhuệ. Năm 1107, Doãn Quán suất lĩnh "Biệt vũ ban" gồm 17 nghìn lính tiến đánh người Nữ Chân, giành được thắng lợi, cho xây dựng 9 tòa thành ở khu vực Hàm Hưng ngày nay. Năm 1108, Cao Ly có tranh đấu nội bộ, quân chủ mới là Cao Ly Duệ Tông lệnh cho Doãn Quán triệt binh. Từ năm 1108 đến 1109, Ô Nhã Thúc chỉ huy quân Nữ Chân thu phục Hạt Lãn Điện, Cao Ly thỉnh hòa, xin rút quân khỏi 9 thành và các khu vực chiếm được của người Nữ Chân.[12]

Kim Thái Tổ Hoàn Nhan A Cốt Đả, người sáng lập triều Kim

Năm 1112, khi Thiên Tộ Đế đến Xuân châu tụ hội cùng với tù trưởng các tộc Nữ Chân đã cư xử bất kính với Hoàn Nhan A Cốt Đả và các tù trưởng khác, khiến cho Hoàn Nhan A Cốt Đả có ý phản kháng triều đình Liêu, sau đó xuất binh thống nhất các tộc Nữ Chân. Năm 1114, Hoàn Nhan A Cốt Đả tuyên chiến với triều đình Liêu. Vua Liêu sai tướng mang 7.000 quân đi đánh Nữ Chân, tập kết tại bờ phía bắc sông Áp Tử (tức sông Nộn Giang, vị trí giữa hai tỉnh Cát Lâm và Hắc Long Giang); A Cốt Đả dàn 3.700 quân đối bờ. Lợi dụng ban đêm, A Cốt Đả mang quân vượt sông, bấy giờ gió lớn nỗi lên, trời tối mù mịt, xua quân tiến đánh, quân Liêu tan vỡ đại bại, sau đó tiếp tục bại trận trong các trận chiến Ninh Giang và Xuất Hà Điếm.

Tháng giêng năm 1115, tại Hoàng Đế trại (nay thuộc A Thành, Cáp Nhĩ Tân, Hắc Long Giang), Hoàn Nhan A Cốt Đả xưng đế kiến quốc, tức Kim Thái Tổ, định quốc hiệu là "Đại Kim". Đến lúc này, Liêu Thiên Tộ Đế mới xem trọng sự việc, đồng thời hạ lệnh thân chinh, song quân Liêu bị quân Kim đánh bại, còn nội bộ triều Liêu lại xảy ra việc Da Luật Chương Nô và Cao Vĩnh Xương làm phản.[10]

Kim Thái Tổ lấy Ngũ Kinh của Liêu làm mục tiêu, phân binh làm hai lộ triển khai chiến tranh Kim diệt Liêu. Liêu Thiên Tộ Đế từng sắc phong cho Kim Thái Tổ là Đông Hoài quốc hoàng đế nhằm an phủ, song văn bản trong sắc phong không gọi Hoàn Nhan A Cốt Đả là huynh trưởng, quốc hiệu không phải là Đại Kim, do vậy ông không tiếp thụ sắc phong mà tiếp tục tiến đánh Liêu.[13]

Tháng năm của năm 1116, quân Đông lộ chiếm lĩnh Đông Kinh Liêu Dương phủ (nay thuộc Liêu Dương, Liêu Ninh), đến năm 1120 quân Tây lộ đánh chiếm Thượng Kinh Lâm Hoàng phủ (nay thuộc Ba Lâm Tả, Nội Mông), triều Liêu để mất một nửa đất đai. Trong lúc đang diễn ra chiến sự, Bắc Tống liên tục phái các sứ giả Mã Chính, Triệu Lương Tự đến, cùng Kim định Hải thượng chi minh, liên hiệp tiến công Liêu. Năm 1122, quân Đông lộ đánh hạ Trung Kinh Đại Định phủ (nay thuộc Ninh Thành, Nội Mông), Thiên Tộ Đế chạy đến sa mạc Gobi. Đồng thời, quân Tây lộ cũng đánh hạ Tây Kinh Đại Đồng phủ (nay thuộc Đại Đồng, Sơn Tây), Da Luật Đại Thạch lập Da Luật Thuần ở Nam Kinh Tích Tân phủ (nay thuộc Bắc Kinh), tức chính quyền Bắc Liêu. Bắc Tống phái Đồng Quán cùng những người khác nhiều lần đem quân bắc phạt Liêu, song đều bị quân Liêu đánh tan. Bắc Tống cuối cùng phải thỉnh quân Kim đánh hạ Nam Kinh của Liêu, Bắc Liêu mất, đến lúc này Ngũ Kinh của Liêu đều bị Kim đánh hạ. Tống và Kim trải qua hiệp thương, kết quả là quân Kim sẽ trao cho Tống một bộ phận thành thị của Yên Vân thập lục châu, đồng thời thu được tuế tệ, song cuối cùng Bắc Tống chỉ thu được các tòa thành không sau khi chúng bị quân Kim cướp phá.

Năm 1123, Kim Thái Tổ qua đời, đệ là Hoàn Nhan Ngô Khất Mãi kế vị, tức Kim Thái Tông. Tháng giêng năm 1124, nhằm liên hiệp với Tây Hạ để diệt Liêu, Kim Thái Tông cắt đất Liêu cũ ở phía bắc Hạ Trại và phía nam Âm Sơn cho Tây Hạ, Tây Hạ chuyển sang xưng thần với Kim. Năm 1125, Liêu Thiên Tộ Đế bị bắt, triều Liêu mất, song Da Luật Đại Thạch suất quân tiến về phía tây, thành lập Tây Liêu ở Tây Vực.[10]

Chinh Tống và hòa đàm

Bản đồ mô tả việc Kim (金) diệt Liêu (遼) và Bắc Tống (宋).

Sau khi diệt Liêu, triều Kim liền có ý nam hạ diệt triều Tống. Kim Thái Tông mượn "biến Bình châu"[chú thích 3], vào năm 1125 phát động chiến tranh Kim diệt Tống. Kim Thái Tông phái Bột cực liệt Hoàn Nhan Tà Dã làm Đô nguyên soái, Hoàn Nhan Tông Vọng, Hoàn Nhan Tông Hàn phân binh hai lộ Hà Bắc và Sơn Tây, cuối cùng hội quân ở thủ đô Khai Phong của Bắc Tống.[14] Trước tình huống tướng Tống Lý Cương tử thủ Khai Phong, hai bên Kim và Tống ký kết "Tuyên Hòa hòa nghị"[chú thích 4] Năm 1126, lấy lý do triều đình Tống hủy ước, Kim Thái Tông lại phái Hoàn Nhan Tông Vọng và Hoàn Nhan Tông Hàn phân làm hai lộ công phá Khai Phong, đến năm sau bắt được Tống Khâm Tông, Tống Huy Tông cùng hoàng thất Tống và đưa họ về phía bắc, sử gọi là Tĩnh Khang chi họa, Bắc Tống diệt vong. Tuy nhiên, Khang vương Triệu Cấu của Bắc Tống tránh được nạn, đồng thời xưng đế ở Nam Kinh Quy Đức phủ (nay thuộc Thương Khâu, Hà Nam), kiến quốc Nam Tống, tức Tống Cao Tông. Để phục vụ cho mục đích thống trị vùng đất rộng lớn mới chiếm lĩnh được từ tay người Hán, triều Kim trước sau lập ra các chính quyền bù nhìn là Trương SởLưu Tề, đồng thời nhiều lần phái Hoàn Nhan Tông Bật và các tướng Kim khác đem quân nam chinh Tống Cao Tông (lúc này dời đến Giang Nam). Nhờ nỗ lực của các tướng Nhạc Phi, Hàn Thế Trung, Trương Tuấn, Nam Tống mới được giữ vững. Cuối cùng, triều Kim chỉ còn cách buộc Nam Tống xưng nước cháu với mình, đồng thời bắt các nước Tây Hạ và Cao Ly phải thần phục, xưng bá Đông Á.[10]

Năm 1135, Kim Thái Tông qua đời, tôn tử của Kim Thái Tổ là Hoàn Nhan Đản tức vị, tức Kim Hy Tông. Đương thời, có một số công thần phụ tá triều đình Kim được gọi là "Diên Khánh công thần", bọn họ kiểm soát triều chính, chủ yếu phân thành phái chủ chiến và phái chủ hòa.[chú thích 5] Kim Hy Tông phế trừ Lưu Tề vào năm 1137, sau đó nghe theo kiến nghị của Hoàn Nhan Thát Lãn thuộc phái chủ hòa, tiến hành nghị hòa với phái chủ hòa của Nam Tống gồm Tống Cao Tông và Tần Cối. Việc phải cắt nhượng Hà Nam và Thiểm Tây khiến cho Hoàn Nhan Tông Bật thuộc phái chủ chiến bất mãn, đến năm 1140 thì Hoàn Nhan Tông Bật suất quân đoạt lấy đất Hà Nam, Thiểm Tây. Năm sau, Hoàn Nhan Tông Bật lại nam chinh, song bị Nhạc Phi và Lưu Kỹ đánh bại, Nhạc Phi sau trận Yển Thành tiến hành bắc phạt, tiến sát Biện Kinh. Cuối cùng, Hoàn Nhan Tông Bật và phái chủ hòa của Nam Tống hợp đàm, ký kết Thiệu Hưng hòa nghị, đến lúc này biên giới Kim-Tống hoàn toàn xác định theo Tần Lĩnh-Hoài Hà. Kim Hy Tông từ nhỏ đã được dạy dỗ trong môi trường văn hóa Hán,[15] sau khi đăng cơ cùng với Hoàn Nhan Tông Bật thúc đẩy cải cách theo Hán chế, đồng thời trọng dụng người Hán. Năm sau, Kim Hy Tông phái ba người thuộc "Diễn Khánh công thần" là Hoàn Nhan Tông Bàn, Hoàn Nhan Tông Cán, Hoàn Nhan Tông Hàn cùng tổng quản cơ cấu chính phủ. Quan chế Kim đến lúc này về cơ bản đã Hán hóa, kiến lập tam tỉnh chế với thượng thư tỉnh là trung tâm. Kim Hy Tông do bị "Diễn Khánh công thần" và Hoàng hậu khống chế, bản thân sầu não quá độ, đến hậu kỳ thì không còn lo việc triều chính, lạm sát người vô tội, cuối cùng bị anh họ là Hữu thừa tướng Hải Lăng vương Hoàn Nhan Lượng sát hại vào năm 1150, Hoàn Nhan Lượng xưng làm hoàng đế.[16]

Nhằm công phạt Nam Tống, thống nhất Trung Hoa, Hoàng đế Hoàn Nhan Lượng thi hành nhiều biện pháp: thiên đô đến Yên Kinh (nay thuộc Bắc Kinh), gọi là Trung Đô, đồng thời cũng có ý nam thiên đến Biện Kinh; phân chia lại về hành chính với việc thành lập 4 lộ nhằm tạo thuận lợi cho quản lý; đưa quân đội khi trước do Kim Thái Tông cùng Hoàn Nhan Tông Cán và Hoàn Nhan Tông Hàn quản lý đang trú trát tại Thượng Kinh Hội Ninh phủ chuyển sang chịu sự quản chế của triều đình, tạo nền tảng cho chế độ trung ương tập quyền của triều Kim. Tuy nhiên, Hoàn Nhan Lượng nghi kỵ sâu sắc các thành viên trong tông thất, hậu duệ của Kim Thái Tông hầu như đều bị Hoàn Nhan Lượng sát hại; đồng thời ông hao phí của cải rất lớn, không xem xét đến sự phản đối của một bộ phận đại thần,[chú thích 6] kiên quyết Nam chinh. Tháng 5 năm 1161, triều đình Kim khiến sứ sang Tống yêu cầu hoạch định lại biên giới, có ý muốn tạo cớ gây hấn, Nam Tống bắt đầu phòng bị chiến tranh. Năm sau, Hoàng đế Hoàn Nhan Lượng suất đại quân từ Biện Kinh phân binh làm 4 lộ tiến hành nam chinh. Quân Đông diện phân thành hải lộ và lục lộ, quân lục lộ do Hoàng đế Hoàn Nhan Lượng tự thân suất lĩnh, từ Túc châu (nay là Túc Châu, An Huy) vượt qua Hoài Hà đánh thẳng đến Hòa châu (nay là huyện Hòa, An Huy), thủy quân hải lộ đánh thẳng vào thủ đô Lâm An (nay là Hàng Châu, Chiết Giang) của Nam Tống. Quân Tây lộ phân biệt từ Quan Trung tiến công khu vực Tứ Xuyên và từ Hà Nam tiến công khu vực Hồ Bắc. Quân Đông lộ sau khi vượt Hoài Hà đánh chiếm Hòa châu thì chuẩn bị tiếp tục vượt Trường Giang. Tuy nhiên, thủy quân hải lộ của Kim bị thủy quân của tướng Tống Lý Bảo tiêu diệt tại Giao Tây (nay thuộc Giao Châu, Sơn Đông). Đồng thời, người Khiết Đan ở tây bắc làm phản, em họ là Cát vương Hoàn Nhan Tụ tự lập làm hoàng đế ở Đông Kinh Liêu Dương phủ, đồng thời chuyển đến Yên Kinh, tức Kim Thế Tông. Trước tình hình này, Hoàng đế Hoàn Nhan Lượng vẫn cố vượt Trường Giang, song đội quân tiến trước bị tướng Tống Ngu Doãn Văn đánh bại trong Trận Thái Thạch, thuyền hạm cũng bị quân Tống tiêu hủy. Hoàng đế Hoàn Nhan Lượng có ý đồ dời quân đến Dương Châu để vượt Trường Giang, song bị bộ hạ phản đối mạnh mẽ, cuối cùng họ phát động binh biến sát hại Hoàn Nhan Lượng. Quân Tống thừa cơ thu phục khu vực phía nam Hoài Hà, tức Hoài Nam, từ sau đó Kim không còn phát động chiến tranh nhằm diệt Tống nữa.[16]

Thế-Chương thịnh thế

Tháp Trừng Linh ở chùa Lâm Tế tại Chính Định, được xây dựng từ năm 1161 đến năm 1189

Năm 1161, Kim Thế Tông sau khi cử binh thì chiêu cáo tội lỗi của Hoàng đế Hoàn Nhan Lượng, suất quân thống nhất Hoa Bắc, đồng thời đình chỉ phát động chiến tranh nhằm diệt Tống. Tuy nhiên, chiến tranh giữa Kim và Tống vẫn chưa kết thúc, vào năm 1162 lấy lý do Nam Tống không nguyện xưng thần, Kim Thế Tông phái chủ tướng Bộc Tán Trung Nghĩa tiến trú Biện Kinh, Hột Thạch Liệt Chí Ninh trấn thủ tiền tuyến, chuẩn bị đoạt lại khu vực Hoài Nam. Lúc này, Tống Hiếu Tông Triệu Thận có ý đồ muốn thu phục Trung Nguyên nên phái chủ tướng Trương Tuấn suất lĩnh quân đội bắc phạt, sử gọi là Long Hưng bắc phạt. Quân Tống dần dần chiếm lĩnh các nơi ở Hoài Bắc, song bị Hột Thạch Liệt Chí Ninh đánh tan trong trận Phù Li, chiến dịch bắc phạt của Tống kết thúc. Sau đó, phái chủ hòa trong triều đình Nam Tống nổi lên, đến năm 1164 khi quân Kim lại tiến hành nam chinh thì Tống cầu hòa, hai bên ký kết hiệp ước, đối đãi bình đẳng, triều Kim thu được của cải mỗi năm từ Tống. Về mặt nội chính, bản thân Kim Thế Tông rất giản dị, lựa chọn phương thức quản lý triều chính trung dung yên ổn, đề xướng Nho học; tra vấn quan lại, nghiêm cấm tham ô; có thái độ thực tế với kinh tế, đồng thời miễn trừ các khoản thuế bất hợp lý, khi xảy ra thiên tai thì lập tức cho cứu tế. Đương thời, nhân dân các tộc liên tiếp khởi nghĩa, Kim Thế Tông vì để duy trì thống trị nên lợi dụng các chế độ khoa cử, học hiệu, tranh thủ sự ủng hộ của quý tộc người Hán, tăng cường quyền lực của mãnh an-mưu khắc, mở rộng diện tích đất đai do người Nữ Chân chiếm hữu. Những việc này đều khiến cho kinh tế-văn hóa của triều Kim khôi phục và phát triển ở trình độ nhất định, sử gọi là Đại Định chi trị. Ngoài việc chống lại Nam Tống bắt phạt, Kim Thế Tông còn xuất binh uy chấn Tây Hạ, Cao Ly, khiến hai nước này thần phục, triều Kim được Kim Sử gọi là 'tiểu Nghiêu Thuấn'.[17] Năm 1189, Kim Thế Tông qua đời, do Thái tử Hoàn Nhan Doãn Cung mất sớm, do vậy nhi tử của Doãn Cung là Hoàn Nhan Cảnh tức vị, tức Kim Chương Tông.[16]

Tiền kỳ thời Kim Chương Tông, chính trị Kim bị Hán hóa rất sâu, kinh tế rất phát triển, sử gọi là Minh Xương chi trị.[18] Không chỉ khích lệ văn hóa trong nước, bản thân Kim Chương Tông cũng được mô tả là người hay chữ. Tuy nhiên, Kim Chương Tông quá xem trọng việc phát triển văn hóa, sủng ái Lý Sư Nhi (sau phong là Nguyên phi) và ngoại thích Lý thị, nhiệm dụng người có xuất thân 'kinh đồng' là Tư Trì Quốc quản lý triều chính. Hai thế lực này hiệp trợ lẫn nhau, mưu cầu tư lợi khi can chính, khiến cho cục thế chính trị vào hậu kỳ thời Kim Chương Tông dần trượt dốc, cộng thêm Hoàng Hà gây lũ lụt và thay đổi dòng chảy khiến quốc thế triều Kim dần suy thoái. Lúc này, quân sự triều Kim dần bị bỏ bê, các bộ Mông Cổ ở phương bắc nổi lên. Kim Chương Tông từng phái binh đến Mông Cổ, đồng thời kích động các bộ lạc Mông Cổ tàn sát lẫn nhau, song hiệu quả thu được không lớn, cuối cùng Thành Cát Tư Hãn thống nhất Mông Cổ. Quyền thần Nam Tống là Hàn Thác Trụ thấy quốc thế triều Kim suy thoái, mệnh Ngô Hi quản lý đất Thục, chuẩn bị bắc phạt, tuy nhiên triều đình Kim cũng phái Bộc Tán Quỹ trấn giữ Biện Kinh đề kháng quân Tống. Năm 1206, Hàn Thác Trụ phát động Khai Hy bắc phạt, triều Kim từng để mất khu vực Hoài Bắc, song lại nhận được sự đầu hàng của Ngô Hy ở Thục. Đến tháng tám, Bộc Tán Quỹ suất quân chia làm 9 lộ nam hạ, đến cuối năm thì áp sát Trường Giang, đồng thời vây đánh Tương Dương. Năm sau, Ngô Hy bị sát hại, Tứ Xuyên lại về tay Nam Tống, đến lúc này hai bên có ý hòa nghị. Cuối cùng, Hàn Thác Trụ bị giết theo như yêu cầu của Kim, hai bên nghị hòa vào năm 1208, sử gọi là Gia Định hòa nghị.[chú thích 7] Năm 1208, Kim Chương Tông qua đời, do cả sáu nhi tử của ông đều chết yểu,[20] Lý nguyên phi lập hoàng thúc của ông là Vệ Thiệu vương Hoàn Nhan Vĩnh Tế làm người kế vị.[16]

Trung suy và nam thiên

Trong chiến dịch Dã Hồ Lĩnh năm 1211 ở Trương Gia Khẩu, quân Mông Cổ tiêu diệt 40 vạn quân Kim

Hoàn Nhan Vĩnh Tế sau khi kế vị lập tức thanh trừ thế lực ngoại thích, song bản thân ông lại dùng nhầm người, càng khiến cho quốc thế triều Kim suy thoái hỗn loạn, đương thời không đủ sức phản kháng quân Mông Cổ xâm nhập. Nắm 1206, Thành Cát Tư Hãn thống nhất Đại Mạc, lập nên Đại Mông Cổ Quốc. Đương thời, người Mông Cổ giữ thái độ thù địch nghiêm trọng với triều Kim, có ý thoát khỏi sự khống chế của triều Kim,[chú thích 8] Thành Cát Tư Hãn cũng biết rằng Hoàn Nhan Vĩnh Tế thuộc hàng bất tài[chú thích 9], nhận định hiện là thời cơ tốt để đánh diệt triều Kim. Thành Cát Tư Hãn trước tiên công đánh Tây Hạ nhằm phá vỡ đồng minh Kim-Hạ. Đương thời, Tây Hạ cầu viện Kim, Hoàng đế Hoàn Nhan Vĩnh Tế ngồi xem không ứng cứu, cuối cùng Tây Hạ thần phục Mông Cổ, chuyển sang phụ Mông phạt Kim. Sau khi loại bỏ được nỗi lo từ Tây Hạ, Thành Cát Tư Hãn vào năm 1210 đoạn giao với triều Kim. Năm sau, Thành Cát Tư Hãn phát động chiến tranh Mông-Kim, 40 vạn quân Kim do Thừa tướng Hoàn Nhan Thừa Dụ và Tướng Hoàn Nhan Cửu Cân suất lĩnh bị quân Mông Cổ đại phá trong chiến dịch Dã Hồ Lĩnh, Hoàng đế Hoàn Nhan Vĩnh Tế đem chức Thừa tướng giao lại cho Đồ Đan Dật giỏi mưu lược. Quân Mông Cổ sau đó đánh vào Hoa Bắc, cướp đoạt tứ xứ, cuối cùng bao vây Trung Đô của Kim, song do thành trì Trung Đô vững chắc nên quân Mông Cổ rút lui.[21] Năm 1212, Thành Cát Tư Hãn lại một lần nữa xuống phía nam đánh Kim, từng bao vây Tây Kinh Đại Đồng phủ của Kim. Cùng năm, một người Khiết Đan là Da Luật Lưu Ca ở vùng đông bắc tiến hành phản Kim phụ Mông, quân triều đình Kim bị đánh bại tại Địch Cát Não (nay ở phụ cận Xương Đồ, Liêu Ninh). Năm 1213, Tướng Hồ Sa Hổ sát hại Hoàng đế Hoàn Nhan Vĩnh Tế,[22] Hồ Sa Hổ lập thứ huynh của Kim Chương Tông là Hoàn Nhan Tuần kế vị, tức Kim Tuyên Tông.[21]

Hồ Sa Hổ nắm giữ đại quyền của triều Kim, song do uy hiếp tướng trấn thủ Trung Đô là Truật Hổ Cao Kỳ nên cuối cùng bị người này sát hại. Mùa thu năm 1213, Thành Cát Tư Hãn phân binh làm 3 lộ đánh Kim, phái Hoàng tử Truật Xích kinh lược Sơn Tây, Hoàng đệ Hợp Tát Nhi đến Hà Bắc, bản thân Thành Cát Tư Hãn cùng ấu tử Đà Lôi đến Sơn Đông, triều đình Kim chỉ còn 11 thành như Trung Đô, Chân Định, Đại Danh là chưa bị mất. Năm sau, Kim Tuyên Tông cầu hòa, dâng vàng và Kỳ Quốc công chúa cho Thành Cát Tư Hãn, đạt được Mông-Kim hòa nghị. Sau khi quân Mông Cổ rút lui, Kim Tuyên Tống bất chấp sự phản đối của Đồ Đan Dật và những người khác, cùng Truật Hổ Cao Kỳ dời đô đến Biện Kinh, phái Thái tử Hoàn Nhan Thủ Trung trấn thủ Trung Đô, khiến quân dân Hà Bắc bất an. Năm 1215, quân Mông Cổ lấy lý do Kim dời đô đến phía nam để suất quân đánh chiếm Trung Đô, đến lúc này Kim để mất khu vực Hà Bắc. Tháng mười cùng năm, tướng Kim phụ trách đánh Da Luật Lưu Ca là Bồ Tiên Vạn Nô tự lập làm hoàng đế ở Liêu Đông, dựng nên Đông Chân Quốc. Đến lúc này, vùng đất mà người Nữ Chân hưng khởi bị phân chia giữa Bồ Tiên Vạn Nô và Da Luật Lưu Ca, còn Sơn Đông và Hà Bắc đều có quân Áo Đỏ nổi dậy, triều đình Kim chỉ còn khống chế được Hà Nam, Hoài Bắc và Quan Trung. Hoàng Hà từ khi Kim nam thiên thì đổi dòng sang hướng đông nam, phạm vi ngập lụt rất rộng.[21][23]

  Lãnh thổ Kim năm 1227

Sau khi Kim Tuyên Tông nam thiên, quốc thế của Kim càng thêm yếu, Mông Cổ thay thế Kim xưng bá tại Đông Á. Vì Thành Cát Tư Hãn đem quân tây chinh Đế quốc Khwarezm Ba Tư nên ông ta phong Mộc Hoa Lê làm "Thái sư quốc vương" thống lĩnh đất Hán.[24] tiếp tục uy hiếp triều Kim, Kim ở vào trạng thái hấp hối. Mặc dù Kim Tuyên Tông muốn chấn hưng lại triều Kim, song không có tài năng mưu kế kiệt xuất, lại có thiên tính nghi kỵ, về mặt chính trị không có sự khởi sắc. Năm 1219, Thái Nguyên thất thủ, triều đình Kim lập "Hà Bắc cửu công", phong cho 9 người như Vương Phúc, Di Lạt Chúng Gia Nô, Vũ Tiên tước công, ban hiệu "Tuyên lực trung thần", mục đích là để khiến họ giữ vững quốc thổ, song không có kết quả. Kim Tuyên Tông nhiệm dụng Truật Hổ Cao Kỳ, người này có bản tính hà khắc, liên tục nam chinh Nam Tống, tây chinh Tây Hạ để khuếch trương lãnh thổ, đồng thời tiếp tục chiến đấu kháng Mông Cổ. Đến lúc này, tình hình của triều Kim là nội chính không tốt, quân lực đã sút kém, trải qua nhiều lần chiến tranh khiến Kim lâm vào khốn cảnh. Năm 1219, Truật Hổ Cao Kỳ bị Kim Tuyên Tông giết. Năm 1224, Kim Tuyên Tông qua đời, thứ tử Hoàn Nhan Thủ Tự kế vị, tức Kim Ai Tông.[21]

Vong quốc tại Thái châu

Bài chi tiết: Trận Tam Phong Sơn;Trận Thái Châu (1233-1234)

Sau khi Kim Ai Tông tức vị, ông khuyến khích sản xuất nông nghiệp, hòa hảo với Nam Tống và Tây Hạ. Kim Ai Tông cũng lập ra "Trung hiếu quân" trực thuộc trung ương, nhiệm dụng Hoàn Nhan Trần Hòa Thượng và các danh tướng kháng Mông khác, vào năm 1228 đánh tan quân Mông Cổ trong trận chiến Đại Xương Nguyên tại huyện Ninh thuộc Cam Túc ngày nay. Sau đó, quân Kim thu phục được không ít đất đai, khiến triều Kim khởi tử hồi sinh. Tây Hạ do quốc lực suy lạc nên cuối cùng bị Mông Cổ tiêu diệt vào năm 1227. Thành Cát Tư Hãn qua đời trong chiến dịch tiêu diệt Tây Hạ, Oa Khoát Đài kế nhiệm vào năm 1229. Sau đó, quân Mông Cổ lại đối phó với Kim, Oa Khoát Đài Hãn phát động ba lộ phạt Kim vào năm 1230, Đại Hãn suất đại quân vượt Hoàng Hà đánh thẳng đến Biện Kinh, Oát Trần Na Nham suất quân Đông lộ đến Tế Nam, Đà Lôi suất quân Tây lộ từ Hán Trung mượn đường Tống theo Hán Thủy tiến đánh Biện Kinh. Năm 1232, Đà Lôi đến gần Biện Kinh, Kim Ai Tông phái Hoàn Nhan Hợp Đạt, Di Lạt Phổ A suất đại quân đánh chặn ở Đặng Châu. Đến lúc này, Oa Khoát Đài Hãn suất đại quân vượt Hoàng Hà, đồng thời phái Tốc Bất Đài đánh Biện Kinh. Quân bắc viện Biện Kinh của Hoàn Nhan Hợp Đạt giao chiến với quân của Đà Lôi ở Tam Phong Sơn (nay ở đông nam Vũ Châu, Hà Nam - nơi diễn ra trận Tam Phong Sơn), kết quả là đội quân tinh nhuệ này của Kim bị đánh bại hoàn toàn, các danh tướng Trương Huệ, Hoàn Nhan Hợp Đạt, Hoàn Nhan Trần Hòa Thượng và Di Lạt Phổ A tử vong. Quân Mông Cổ vây đánh Biện Kinh, Kim Ai Tông phải cầu hòa. Tuy nhiên, sau đó triều đình Kim lại giết sứ giả của Mông Cổ, Mông Cổ lại vây đánh Biện Kinh. Kim Ai Tông kiên trì đến cuối năm thì bỏ thành, chạy về nam đến Quy Đức (nay thuộc Thương Khâu, Hà Nam), tướng trấn thủ Biện Kinh là Thôi Lập đầu hàng Mông Cổ. Bị tướng Mông Cổ là Sử Thiên Trạch truy đuổi, Kim Ai Tông chạy đến Thái châu (nay thuộc Nhữ Nam, Hà Nam), quân Mông Cổ hẹn ước với tướng Nam Tống là Mạnh Củng, Giang Hải liên hiệp vây đánh. Tháng giêng năm 1234, Thái châu cực kỳ nguy cấp, Kim Ai Tông không muốn là quân chủ mất nước, do vậy ông đem hoàng vị trao cho Thống soái Hoàn Nhan Thừa Lân vào ngày 9 tháng 2 DL, sử gọi là Kim Mạt Đế. Đến khi thành Thái châu bị chiếm, Kim Ai Tông tự sát, Kim Mạt Đế tử vong trong loạn quân, triều Kim mất.[21]

Liên quan

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Nhà_Kim http://jwsr.ucr.edu/archive/vol12/number2/pdf/jwsr... http://books.google.com.hk/books?id=t21yghJHIpEC&p... http://www.archive.org/stream/06059337.cn#page/n11... //dx.doi.org/10.1111%2F0020-8833.00053 //dx.doi.org/10.5195%2FJWSR.2006.369 http://www.escholarship.org/uc/item/3cn68807 //www.jstor.org/stable/2600793 //www.worldcat.org/issn/1076-156X https://web.archive.org/web/20070222011511/http://... https://commons.wikimedia.org/wiki/Category:Jin_Dy...